Khí CO2 có thể biến sao Hỏa trở thành hành tinh xanh?
Những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học cho thấy lượng CO2 và nguồn carbon có ý nghĩa lớn đối với việc tạo màu xanh trên hành tinh đỏ – sao Hỏa.
- Sao Hỏa có nhiều điểm giống Trái đất
Trong Hệ Mặt trời, nếu Trái đất thường được gọi là Hành tinh xanh thì sao Hỏa thường được gọi là Hành tinh đỏ. Nhìn từ Trái đất, sao Hỏa có màu đỏ đặc trưng bởi trên bề mặt hành tinh này có nhiều sắt oxit. Nếu sinh sống trên sao Hỏa, con người có thể bị đóng băng hoặc bị thiêu đốt bởi nhiệt độ có thể lên đến 70 độ và mùa hè và -200 độ vào mùa đông. Về khối lượng, sao Hỏa nhỏ bằng 11% khối lượng Trái đất, cách xa Mặt trời hơn 50% so với Trái đất.
Mặc dù có sự khác nhau như vậy nhưng khí hậu của hành tinh này và khí hậu Trái đất có nhiều điểm khá giống nhau: có băng ở cực, có bầu khí quyển, có nhiều kiểu thời tiết và thời tiết thay đổi theo mùa.
Sao Hỏa thường được gọi là Hành tinh đỏ
Bởi sự giống nhau đặc biệt này, nhiều thập kỷ nay các nhà khoa học đã rất cố gắng giải mã hệ sinh thái trên sao Hỏa nhằm tạo ra một môi trường con người có thể sinh sống. Đó thực sự là một giấc mơ tuyệt vời cho loài người trước thực trạng Trái đất đang nóng lên và thiên tai ngày càng khắc nghiệt.
- Khí CO2 có thể thay đổi diện mạo sao Hỏa
Khi nghiên cứu về sao Hỏa, có nhiều lập luận khác nhau được đưa ra nhưng hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng: nếu một lượng đủ khí CO2 được giải phóng trên bề mặt sao Hỏa, hành tinh đỏ rất có thể trở thành nơi trú ẩn và hỗ trợ đời sống con người trên Trái đất.
Nhưng thật đáng buồn, nghiên cứu mới nhất do NASA thực hiện cho thấy: không có đủ CO2 trên sao Hỏa, do đó không thể tạo ra được hiệu ứng nhà kính làm cho toàn bộ hành tinh ấm lên. Ngoài ra, hầu hết khí CO2 trên Sao Hảo đều khó tiếp cận và sử dụng.
Giống như Trái đất, sao Hỏa có bầu khí quyển nhưng bầu khí quyển trên hành tinh này rất mỏng manh, việc thiếu áp suất khí quyển dẫn đến bất cứ chất lỏng nào trên bề mặt sao Hỏa cũng sẽ bốc hơi hoặc đóng băng.
Trên sao Hỏa, bất cứ chất lỏng nào cũng sẽ bốc hơi hoặc đóng băng
Nếu bằng cách nào đó chúng ta có thể bốc hơi cacbon ở sao Hỏa thì áp suất khí quyển của hành tinh đỏ sẽ tăng lên. Đây là điều kiện lý tưởng để khí hậu ấm dần và sự sống có thể xuất hiện trên hành tinh này. Nhưng đó không phải là điều dễ dàng, thậm chí ngay cả khi áp suất khí quyển ở sao Hỏa tăng gấp đôi thì con số này cũng chỉ tương đương với 1,2% so với Trái đất.
- Hi vọng đến từ nguồn carbon “bị mắc kẹt”
Các nhà khoa học tin rằng có thể tạo ra điều kỳ diệu từ nguồn carbon sẵn có trên hành tinh đỏ. Đó là nguồn carbon tồn tại trong đất và khoáng chất, nhưng một lần nữa – theo tính toán của nhóm nghiên cứu – không có đủ nguồn tài nguyên thiên nhiên để biến bầu khí quyển thành một nhà kính ôn hòa, ẩm ướt.
Một khả năng nữa mang đến hi vọng cho những người nghiên cứu, đó là một lượng carbon lớn được chôn sâu bên trong lớp vỏ hành tinh. Có nghiên cứu cho rằng có thể tìm thấy carbon nơi những miệng núi lửa ngưng hoạt động nhưng hiện tại chưa có cách nào định lượng được nguồn tài nguyên này. Hơn nữa, nếu bị chôn vùi sâu trong miệng núi lửa, thực sự rất khó khăn để tiếp cận được nguồn carbon này.
Mặc dù khó khăn như vậy nhưng các nhà khoa học vẫn lạc quan về tương lai sao Hỏa sẽ được làm ấm dần lên và con người có cơ hội được sinh sống ở một hành tinh khác ngoài Trái đất. Đó vẫn là câu chuyện của tương lai, để trở thành hiện thực cần sự nỗ lực rất lớn của nhiều ngành khoa học và công nghệ.