Đề tuyển sinh Đại học Cao đẳng môn Toán 2018 được đánh giá không chặt chẽ
Sau khi đề Toán THPT quốc gia 2018 để xét tốt nghiệp và tuyển sinh bị nhận xét quá khó, vượt sức thí sinh, một câu hỏi được cho là không chặt chẽ về mặt từ ngữ và điều kiện bài toán, nên không có đáp án chính xác.
Đề thi tuyển sinh môn Toán không chặt chẽ
Mục Lục
Câu hỏi của đề toán tuyển sinh chưa chặt chẽ
Cụ thể, câu 16 mã đề 109: Một người gửi tiết kiệm vào ngân hàng với lãi suất 7,5%/năm. Biết rằng nếu không rút tiền ra khỏi ngân hàng thì cứ sau mỗi năm số tiền lãi sẽ được nhập vào vốn để tính lãi cho năm tiếp theo. Hỏi sau ít nhất bao nhiêu năm người đó thu được (cả số tiền gửi ban đầu và lãi) gấp đôi số tiền gửi ban đầu, giả định trong khoảng thời gian này lãi suất không thay đổi và người đó không rút tiền ra?
Bốn phương án trả lời là: A 12 năm; B 10 năm; C 9 năm; D 11 năm.
Đề thi môn Toán câu 16, mã đề 109.
Hồ Phi Khánh, thủ khoa 30 điểm năm 2017, giải bài này như sau:
Gọi A là số tiền gửi ban đầu, n là số năm gửi. Theo bài ra: Sau 1 năm, số tiền cả vốn lẫn lãi là A + A. 7,5% =A. 1,075.
Sau 2 năm, số tiền cả vốn lẫn lãi là: A.1,075 + A. 1,075.7,5% = A. 1,075^2.
Sau n năm, số tiền cả vốn lẫn lãi là A. 1,075^n.
Số tiền này bằng 2 lần ban đầu nên: A. 1,075^n = 2A –> n=log_1,075 (2) ~ 9,58.
Cùng quan điểm với Khánh, bạn Minh Anh – sinh viên cao đẳng Y tế Hà Nội cho hay đề Toán không khó, theo cách hiểu thông thường của đề bài sẽ tìm ra đáp án là 10 năm. Tuy nhiên, nếu suy tới cùng chặt chẽ về mặt câu chữ thì đề bài không có đáp án đúng. Vì vậy, ý kiến nhận định đề chưa chuẩn là hợp lý.
Theo TS Trần Nam Dũng – ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – “muốn ra đúng bằng gấp đôi thì đáp số phải là số lẻ. Nếu chẵn năm thì sẽ phải lớn hơn gấp đôi một chút. Tất nhiên có thể đặt câu hỏi chính xác hơn”.
Theo thầy Trần Trà Hương, giáo viên luyện thi môn Toán tại TP.HCM, “bài toán này không có đáp án đúng, ra đề thi như vậy không ổn”.
Thầy Trần Minh Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), nêu quan điểm câu hỏi không hẳn đã sai nhưng từ ngữ không chuẩn. Nếu theo yêu cầu của bài toán, không có số nguyên nào đúng.
“Tuy nhiên, học sinh đã quen với dạng toán này, các em vẫn có thể chọn 10 năm – đáp án đúng theo Bộ GD&ĐT, nên sẽ không mất điểm, dù câu hỏi không thật chuẩn xác”, thầy Thịnh nêu quan điểm.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Cao Trọng, giáo viên trung tâm luyện thi cao học, cho rằng cách ra đề ở câu trên chưa đúng. Câu hỏi chính xác phải là “ít nhất bao nhiêu năm thì có thể gấp đôi” mới đúng.
Thầy giáo này cũng nhận định cách hỏi của đề sai nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc làm bài của thí sinh.
“Học sinh khá vẫn có thể hiểu ý đề mà chọn đáp án 10 năm, còn học sinh yếu thì không thể có công thức để làm bài này”, thầy Trọng nói.
Bạn Đinh Quang Cường, CLB Thủ khoa Việt Nam, cho hay đây là dạng bài học sinh gặp nhiều. Có thể thí sinh vẫn hiểu đề nhưng Toán học phải chính xác về câu chữ. Nếu thí sinh phản đối câu hỏi này trên diện rộng, Bộ GD& ĐT nên xem xét lại.
Đề thi tuyển sinh Toán không phù hợp hình thức trắc nghiệm
Trước đó, không ít nhà Toán học, giáo viên cho rằng đề thi tuyển sinh môn Toán quá khó, không phù hợp hình thức thi trắc nghiệm. Đặc biệt, đề có những câu cực kỳ khó, thách thức cả những chuyên gia Toán học hàng đầu.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư Toán ở ĐH Toulouse (Pháp), người từng giành huy chương vàng Toán quốc tế (IMO) khi mới 15 tuổi, cho hay ông cũng không thể hoàn thành 50 câu đề thi Toán trong 90 phút.
Tương tự, TS Trần Nam Dũng – người giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1983 – cũng không thể giải được 5 câu khó nhất của đề thi trong thời gian quy định.
Thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội thậm chí đã bật khóc vì thương cho các thí sinh năm nay khi chính thầy cũng không thể giải 50 câu của đề Toán trong vòng 90 phút.
Các chuyên gia Toán học đều nhận định rằng những câu hỏi rất khó trong đề Toán thực chất là những bài toán tự luận được bọc vỏ trắc nghiệm. Đây không phải là cách làm đề thi trắc nghiệm chuẩn.